Tin sưu tầm: Sản xuất vụ Đông – Xuân 2020 – 2021: Chủ động trước diễn biến phức tạp của thời tiết

Đông – Xuân là vụ quan trọng nhất trong sản xuất nông nghiệp của cả nước. Đây là vụ chủ lực, không những về diện tích mà còn về năng suất, là tiền đề vững chắc cho cả năm. Nhưng thời điểm này, thời tiết lại diễn biến phức tạp, dự báo kéo dài đến cuối năm, các ngành chức năng cần hết sức quan tâm chỉ đạo sản xuất đảm bảo thời vụ.

Dù ngập mặn nhưng bà con vẫn được mùa vì có sự chuẩn bị trước

Vụ Đông – Xuân thường được xuống giống tập trung trong tháng 11 và 12 (dương lịch) hằng năm. Trước diễn biến ngày càng khó lường của thời tiết, đặc biệt là để “né hạn mặn” vụ Đông – Xuân năm nay, ngay từ đầu tháng 10, các địa phương trên cả nước đã gấp rút triển khai kế hoạch sản xuất.

Đây là sự chủ động cần thiết. Ngay tại thời điểm này, các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên đang oằn mình trong mưa lũ. Đặc biệt, khi thời điểm gieo sạ đã gần kề nhưng hàng nghìn ha ở các tỉnh miền Trung vẫn ngâm trong nước lũ, hoặc bị bèo, rác bủa vây.

Trong khi đó, ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), theo dự báo của Tổng cục Thủy lợi – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), do dòng chảy từ thượng nguồn đổ về thấp hơn trung bình nhiều năm nên khả năng xâm nhập mặn đến sớm, vào cuối năm 2020 (dự báo sớm hơn trung bình nhiều năm 1,5 – 2 tháng). Ngoài mặn xâm nhập, các cơ quan chuyên môn còn nhận định, có thể sẽ thiếu nước phục vụ sản xuất lúa Đông – Xuân tới đây. 

Cũng theo dự báo của Tổng cục Thủy lợi, mùa khô 2020 – 2021 tới, tình trạng xâm nhập mặn ở Nam Bộ sẽ cao hơn trung bình nhiều năm. Theo đó, vùng ven biển ĐBSCL sẽ có khoảng 55.000ha lúa có khả năng bị ảnh hưởng, tập trung ở các địa phương: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang và Hậu Giang.

Tại Hội nghị sơ kết sản xuất vụ Thu – Đông, vụ mùa năm 2020 và triển khai vụ Đông – Xuân năm 2020 – 2021 vùng Nam Bộ diễn ra ngày 9/10, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho rằng, sắp tới hạn hán, xâm nhập mặn đến sớm và nghiêm trọng. Theo kinh nghiệm nhiều năm qua, các địa phương cần quyết liệt đẩy sớm lịch thời vụ, ưu tiên giống lúa ngắn ngày và chịu hạn mặn tốt hơn.

Nhiều cánh đồng Thừa Thiên – Huế đang bị phủ bởi lớp bèo sau trận lụt tháng 10/2020

Ngoài ra, các địa phương phải xây dựng các phương án và huy động lực lượng ứng phó khi có các tình trạng tiêu cực xảy ra đối với sản xuất, kịp thời báo cáo và đề xuất các biện pháp bảo vệ sản xuất. Đặc biệt là kiên quyết không để xảy ra tình trạng thiệt hại do chủ quan.

Đối với các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, tại Hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất vụ Đông – Xuân ở khu vực này được tổ chức ngày 23/10. Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh tiếp tục yêu cầu ngành Nông nghiệp và chính quyền các địa phương không được để xảy ra thiệt hại lớn trong sản xuất vụ Đông – Xuân vì chủ quan, lơ là. Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đề nghị, các địa phương phải tính toán cụ thể theo từng tiểu vùng để có kế hoạch canh tác phù hợp; rà soát các vùng trũng, thấp, bám sát diễn biến thời tiết, tránh gieo xạ sớm, dễ ngập, úng, phải gieo lại nhiều lần.

“Đặc biệt, đề phòng diễn biến bất thường của thiên tai có thể dịch chuyển xuống Nam Trung Bộ trong thời gian tới, có kế hoạch cảnh báo, hướng dẫn thực hiện các biện pháp tiêu úng, chủ động nguồn kinh phí phòng, chống hạn hán, thiếu nước, ngập lụt, úng cho vụ Đông – Xuân 2020 – 2021”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh./.

Một số sản phẩm Nhật – Nam xin ứng cử cho mùa vụ Đông Xuân 2020 – 2021:

NPK Nhật – Nam 20-20-15+TE (THÍCH HỢP TẤT CẢ LOẠI CÂY TRỒNG)

NPK Nhật – Nam 16-16-8+13S (DÙNG RAU, CÂY MÀU…)