Một nắng, hai sương” tảo tần trên đồng ruộng chăm sóc cây lúa, nay sắp đến ngày thu hoạch, nhiều người dân ở Đoàn Kết và phường Nguyễn Trãi (thành phố Kon Tum) lại lo lắng. Bởi, phần lớn diện tích lúa bị bệnh, ảnh hưởng đến năng suất, thậm chí có nguy cơ mất trắng; rồi đây cuộc sống người nông dân vốn đã khó khăn lại thêm khó khăn hơn.
Theo tìm hiểu của chúng tôi tại xã Đoàn Kết và phường Nguyễn Trãi diện tích lúa bị bệnh khô cổ bông, khô ngọn lên đến cả trăm héc ta. Điều đáng nói, diện tích cây lúa bị bệnh lại chủ yếu là giống lúa Đài thơm 8 và Lộc Trời; diện tích lúa bị bệnh có tỷ lệ nhiều ít khác nhau tùy vào mỗi chân ruộng. Chỗ ít khoảng 5%-10%, chỗ nhiều lên đến 40%-50%, thậm chí có chân ruộng lúa bị bệnh chiếm đến 70%-80%.
Theo người dân ở đây, vào đầu vụ, tất cả diện tích lúa đều phát triển bình thường. Tuy nhiên, đến thời kỳ lúa làm đòng, trổ bông đều thì bắt đầu xuất hiện tình trạng khô cổ bông. Trước tình trạng trên, chính quyền địa phương, ngành chức năng kịp thời khuyến cáo người dân và hướng dẫn các biện pháp phun thuốc phòng chống khi phát hiện có hiện tượng bị bệnh. Và, người dân đã triển khai các biện pháp phun thuốc phòng chống, nhưng hiện tượng khô cổ bông vẫn xuất hiện tại nhiều chân ruộng.
Ông Lê Tự Đích – Chủ tịch Hội Nông dân xã Đoàn Kết cho biết, đến nay, xã vẫn chưa thống kê được diện tích lúa cụ thể bị bệnh, nhưng qua kiểm tra ban đầu, trong tổng số hơn 220 ha bà con trồng giống lúa Đài thơm 8 thì có khoảng 40% diện tích bị bệnh. Tính bình quân diện tích lúa bị bệnh khô cổ bông chiếm khoảng 20-30%.
Anh Lê Hồ Kim Trọng – cán bộ nông nghiệp của xã Đoàn Kết cho hay, giống lúa Đài thơm 8 được đánh giá có năng suất cao và có khả năng kháng bệnh. Nhưng không hiểu sao trong vụ mùa này, lúa Đài thơm 8 lại bị bệnh, mặc dù bà con vẫn tiến hành các biện pháp phòng bệnh như trước đây. Trong khi đó, ở hai vụ trước, giống lúa Đài thơm 8 trồng trên đồng ruộng xã Đoàn Kết không hề bị bệnh và cho năng suất cao. Vậy nên, vụ mùa này bà con nông dân ở đây gieo trồng khá nhiều giống lúa Đài thơm 8 và đây cũng là giống chủ lực của xã trên đồng ruộng hiện nay.
Tại phường Nguyễn Trãi, có khá nhiều hộ gia đình có diện tích lúa bị bệnh khô cổ bông. Đến nay, phường vẫn chưa thống kê được diện tích lúa bị bệnh bởi một số hộ đã thu hoạch. Hiện nay, có 500 hộ dân của phường sản xuất tại khu vực cánh đồng Đoàn Kết với diện tích lúa khoảng hơn 100 ha. Theo phản ánh của bà con, hầu hết diện tích lúa trồng giống Đài thơm 8 đều bị bệnh khô cổ bông.
Tương tự tình cảnh bà Lộc, gia đình anh Nguyễn Hồng Sơn (tổ 4, phường Nguyễn Trãi) cũng có 3 sào trồng giống lúa Đài thơm 8 bị bệnh khô cổ bông với tỷ lệ bệnh lên đến 70% diện tích. Khi chúng tôi hỏi về vụ mùa thì nét mặt anh Sơn buồn rười rượi, bởi theo anh cho biết thì bao công lao vất vả chăm bón cây lúa mấy tháng trời, giờ đến ngày thu hoạch thì cây bị bệnh khô cổ bông, mùa màng thất bát. Điều đáng nói, toàn bộ diện tích 5 sào đất trồng lúa trên là đất mà gia đình anh Sơn thuê của người khác. Mỗi sào thuê, anh Sơn phải trả cho chủ ruộng 2 tạ lúa. Giờ lúa mất mùa, gia đình anh Sơn đang lo không biết lấy đâu ra lúa để trả cho chủ đất.Chúng tôi tìm hiểu thực tế tại gia đình bà Nguyễn Thị Lộc (tổ 3, phường Nguyễn Trãi) được biết, gia đình bà Lộc không làm thêm việc gì ngoài trồng 5,6 sào lúa. Vụ Đông – Xuân vừa qua, bà Lộc trồng 2,5 sào giống lúa Đài thơm 8 cho năng suất cao nên vụ mùa này, bà quyết định chọn giống lúa này trồng trên toàn bộ diện tích đất trồng lúa của gia đình. Gia đình bà cũng đã triển khai phun thuốc phòng chống bệnh 2, 3 lần, vậy mà không hiểu sao lúa vẫn bị bệnh. Hiện nay, gia đình bà Lộc đã thu hoạch, nhưng năng suất lúa chỉ bằng 1/3 vụ trước.
Theo anh Sơn, chưa tính tiền công, mỗi sào lúa anh đầu tư mất 2 triệu đồng mà đến ngày thu hoạch mất mùa thế này ngoài việc không trả nợ được thì cuộc sống sẽ vất vả, khó khăn hơn nhiều.
Người nông dân “một nắng hai sương” vất vả trồng lúa chỉ chờ ngày thu hoạch nhưng lúa lại bị bệnh khô cổ bông, năng suất giảm khiến cuộc sống càng trở nên khó khăn hơn. Thiết nghĩ, ngành chức năng và chính quyền cơ sở cần có thống kê cụ thể và kiến nghị chính quyền địa phương có chính sách hỗ trợ đối với những nông dân ở xã Đoàn Kết và phường Nguyễn Trãi có diện tích lúa bị bệnh, mùa màng thất bát, nhằm giúp người dân ổn định cuộc sống.
Làm việc với phóng viên Báo Kon Tum, ông Nguyễn Nghiêm – Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố Kon Tum cho biết: Diện tích lúa ở xã Ðoàn Kết và phường Nguyễn Trãi bị hại là do bệnh đạo ôn cổ bông. Ngay sau khi nắm được tình hình sâu bệnh, từ tháng 8, Trung tâm phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền và hướng dẫn bà con cách phòng chống bằng một số loại thuốc đặc hiệu, đồng thời khuyến cáo người dân không được bón phân vô cơ khi ruộng lúa đang bị bệnh. Nhưng điều quan trọng là phải thực hiện 4 đúng “đúng cách, đúng lúc, đúng liều lượng và đúng bệnh”.
nguồn sưu tầm
Công ty Cổ phần sản xuất và xuất nhập khẩu Thành Hưng