Sở NN-PTNT Hà Nội phối hợp với Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp Việt Nam, UBND quận Tây Hồ vừa tổ chức hội thảo Triển khai Nghị định số 98/2018/NĐ-CP về khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Theo ông Nguyễn Văn Chí – Chi cục trưởng Chi cục PTNT Hà Nội, tinh thần của Nghị định 98 là sự tự nguyện cùng đầu tư, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của nông dân, cá nhân, hợp tác xã, doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm. Các hình thức liên kết từ cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch, sơ chế gắn với tiêu thụ sản phẩm…Ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục PTNT Hà Nội phát biểu tại hội thảo.
Về chính sách, chủ trì liên kết được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% chi phí tư vấn xây dựng liên kết, tối đa không quá 300 triệu đồng. Dự án liên kết được ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% vốn đầu tư máy móc trang thiết bị, xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ. Tổng mức hỗ trợ không quá 10 tỷ đồng.
Ngoài ra, các bên tham gia liên kết còn được hỗ trợ xây dựng mô hình khuyến nông, đào tạo nghề, tập huấn kỹ thuật, nâng cao nghiệp vụ quản lý. Hỗ trợ giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm tối đa không quá 3 vụ hoặc 3 chu kỳ sản xuất. Ngân sách hỗ trợ tối đa 40% chi phí chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, áp dụng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ theo chuỗi.
Để nhận được sự hỗ trợ, các bên tham gia phải đáp ứng những điều kiện như: Phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Giấy chứng nhận hoặc cam kết đảm bảo các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường. Liên kết đảm bảo ổn định. Dự án liên kết hoặc có đề nghị hỗ trợ liên kết được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt…
Sau khi thực hiện được một thời gian, Nghị định 98 đã góp phần thúc huy động nguồn lực đầu tư vào nông nghiệp, tuy nhiên, vẫn còn không ít khó khăn.
Ông Lê Đức Thịnh- Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT cho biết, muốn kiểm soát được chất lượng nông sản từ đầu vào đến đầu ra thì phải xây dựng được các chuỗi theo các hình thức liên kết đã quy định trong Nghị định 98.
Phương pháp hỗ trợ chia làm hai nhóm là hỗ trợ mềm như đào tạo, tập huấn, hỗ trợ theo kê khai, các cấp ban ngành đại diện sẽ xem xét hỗ trợ.
Về hỗ trợ cứng theo dự án, sẽ được thiết kế theo phương thức của Luật Đầu tư. UBND cấp tỉnh có vai trò quyết định và Sở NN-PTNT sẽ tham mưu về các cơ chế, chính sách cụ thể, các tiêu chí dự án phù hợp với kinh tế địa phương, sản phẩm chủ lực, công nghệ…
Nghị định này tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp, các hợp tác xã, trang trại để tham gia vào chuỗi liên kết, phân quyền cho các địa phương để hoàn toàn chủ động về việc xác định nông sản chủ lực, cơ chế, chính sách, điều kiện thẩm định…
Trước băn khoăn của các doanh nghiệp về sản xuất các sản phẩm phân bón hữu cơ, PGS.TS Đào Thế Anh- Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, thay đổi tư duy của nông dân là vấn đề rất quan trọng. Các doanh nghiệp có sản phẩm tốt phải chủ động hợp tác với mạng lưới khuyến nông, hội nông dân, hội phụ nữ các cấp đồng thời tập trung vào những vùng đang sản xuất và những người đang sản xuất hữu cơ. Nên hợp tác với các viện nghiên cứu trong việc đánh giá, khảo nghiệm để rút ngắn thời gian, đưa sản phẩm nhanh ra thị trường.
Tại hội thảo cũng diễn ra lễ ký kết bản ghi nhớ, hợp đồng tiêu thụ sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền trên toàn quốc đồng thời tôn vinh những tập thể, cá nhân hội viên tiêu biểu vì sự phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam.
nguồn sưu tầm
Công ty Cổ phần sản xuất và xuất nhập khẩu Thành Hưng