Phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Những năm qua, hội nông dân các cấp trong tỉnh không chỉ phát triển Phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi (SXKDG) theo chiều rộng mà còn chú trọng nâng cao chất lượng. Phong trào SXKDG góp phần thay đổi tư duy của nông dân về làm nông nghiệp trong thời kỳ mới và phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Cán bộ Hội Nông dân xã Đắk Môl (Đắk Song) thăm mô hình nông dân trồng rau thủy canh đem lại hiệu quả kinh tế cao

Theo đánh giá của Hội Nông dân tỉnh, Phong trào nông dân SXKDG tác động tích cực đến việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp và quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng như hội nhập quốc tế.Mạnh dạn thay đổi tư duy sản xuất

Toàn tỉnh hiện có hơn 20.000 nông dân đạt danh hiệu SXKDG, là lực lượng tiên phong mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển từ độc canh sang sản xuất, kinh doanh tổng hợp, liên kết sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ. Nhiều nông dân chuyển đổi nghề nghiệp sang làm dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp.

Điển hình, gia đình bà Nguyễn Thị Hằng ở thị trấn Đắk Mâm (Krông Nô) từ một hộ thuần nông nhưng nắm bắt được nhu cầu địa phương đã chuyển sang thu mua nông sản, buôn bán phân bón, hàng năm thu nhập hơn 1 tỷ đồng. Hộ ông Nguyễn Kim Bình ở xã Nam Đà (Krông Nô) đã mạnh dạn xây dựng mô hình trồng nấm, hàng năm thu nhập ổn định trên 200 triệu đồng.

Ở xã Đắk Gằn (Đắk Mil), gia đình ông Phạm Văn Mãi có 19 ha cao su, 3 ha tiêu, hàng năm trừ chi phí còn thu từ 1,5 tỷ đồng trở lên. Ở xã Đắk Búk So (Tuy Đức) gia đình ông Trương Đình Hưởng với mô hình kinh doanh tổng hợp, hàng năm thu nhập 900 triệu đồng, tạo việc làm cho 15 – 20 lao động.

Ông Nguyễn Văn Khang (bên trái) ở xã Đắk Búk So (Tuy Đức) không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn tạo việc làm và giúp đỡ nhiều lao động có thu nhập ổn định

Cũng ở xã Đắk Búk So, gia đình bà Trịnh Thị Thủy, với mô hình trồng hoa và ươm cây giống mỗi năm thu nhập từ 700 – 800 triệu đồng, tạo việc làm cho 10 -15 lao động. Ở xã Quảng Tân (Tuy Đức), gia đình ông Vũ Đình Thăng, với mô hình dịch vụ tổng hợp, hàng năm thu nhập 1 tỷ đồng, tạo việc làm cho 10-15 lao động.

Từ các hộ nông dân SXKDG năng động, áp dụng khoa học tiên tiến vào sản xuất đã lan tỏa, hình thành các vùng sản xuất theo hướng hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, đáp ứng nhu cầu của thị trường.Đóng góp phát triển nhiều mặt của xã hội

Điển hình, nông dân xã Đức Xuyên (Krông Nô) hình thành hơn 105 ha sản xuất ngô giống F1 và xây dựng thương hiệu lúa gạo Buôn Choáh theo tiêu chuẩn VietGAP. Các vùng trong tỉnh được nông dân xây dựng mô hình trồng hoa, cây cảnh, dược liệu, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, đem lại thu nhập cao. Nhiều nông dân ở huyện Đắk Song dám nghĩ, dám làm, tìm tòi đưa vào thử nghiệm và nhân rộng các loại cây như hồ tiêu, cà phê ghép, chanh dây, nấm linh chi và vật nuôi mới như hươu, nai, nhím, lợn rừng.

Vườn lan hồ điệp của anh Nguyễn Văn Khánh, xã Đắk Ha (Đắk Glong) đem lại thu nhập cao

Ông Hồ Gấm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Những nông dân SXKDG không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn đóng góp phát triển nhiều mặt của xã hội. Các hộ nông dân SXKDG luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm làm giàu cho các hộ dân trong vùng và giúp đỡ các hộ nghèo cùng vươn lên. Trong 5 năm qua, các hộ SXKDG đã giúp đỡ được 45.731 hộ nghèo về vốn, vật tư sản xuất, ngày công lao động và kỹ thuật, góp phần cùng địa phương giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Các hộ SXKDG còn tích cực đóng góp kinh phí, đất đai và ngày công xây dựng nông thôn mới ngày càng phát triển.Ngoài ra, nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như mô hình nhân giống khoai lang Nhật Bản bằng nuôi cấy mô ở xã Đắk Búk So; mô hình ứng dụng công nghệ cao, kỹ thuật tiên tiến trong trồng dâu nuôi tằm ở xã Quảng Khê (Đắk Glong)…

Nguồn sưu tầm

Công ty Cổ phần sản xuất và xuất nhập khẩu Thành Hưng