Mặc dù được coi là “cường quốc” về xuất khẩu nông sản trên thế giới, song có đến 90% nông sản của Việt Nam vẫn xuất khẩu dưới dạng thô.
Những điểm yếu của nông sản Việt
Công cuộc cải cách kinh tế trong những năm qua giúp Việt Nam trở thành một trong những nước sản xuất nông nghiệp hàng đầu thế giới. Hiện, nông sản Việt Nam đang xuất khẩu sang 185 nước và vùng lãnh thổ, đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á, đứng thứ 15 thế giới.
Theo đánh giá chung, mặc dù đã được coi là “cường quốc” về xuất khẩu nông sản trên thế giới, song có đến 90% nông sản của Việt Nam vẫn xuất khẩu dưới dạng thô hoặc với hàm lượng chế biến còn hạn chế, chất lượng và giá trị xuất khẩu thấp hơn các sản phẩm cùng loại của nhiều nước khác. Đây là bất lợi lớn, ảnh hưởng đến tiến trình tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của nông sản Việt Nam.
Ông Park Hyang Jin, Tổng Giám đốc Công ty Dreamfarm (Hàn Quốc) cho rằng, điểm yếu nhất của doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam đó là công nghệ sản xuất và chế biến còn hạn chế, thêm vào đó là sự hỗ trợ về cơ chế chính sách của nhà nước còn chưa phát huy tác dụng, đồng thời, sự liên kết giữa các doanh nghiệp để nâng cao giá trị nông sản còn thấp.
90% nông sản của Việt Nam vẫn xuất khẩu dưới dạng thô. (Ảnh minh họa: KT)
Cùng quan điểm, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đánh giá, nguồn cung nông sản Việt Nam còn tương đối dồi dào. Tuy nhiên, hiện, nông sản Việt đang yếu ở 2 khâu là chế biến và tổ chức thị trường trong và ngoài nước.
Nhìn nhận một cách khách quan về ngành nông sản Việt Nam, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nêu quan điểm, ngành nông nghiệp Việt Nam đã để lãng phí nguồn lực mà hiện nay đang sở hữu. Với những sản phẩm thô như chè, cà phê, hạt tiêu… nếu được chế biến sâu ra các sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao thì giá trị gia tăng có thể gấp từ 5-10 lần hoặc nhiều hơn thế nữa.
Thực tế, Việt Nam cũng đã tổ chức chế biến song 70% doanh nghiệp đầu tư công nghệ ở mức độ trung bình, hầu hết là lạc hậu, kém xa so với các nước tiên tiến trên thế giới. Sản phẩm ít có thương hiệu đặc trưng và thương hiệu mạnh. Nhiều hàng hóa Việt Nam xuất khẩu thô khi sang biên giới các nước đã trở thành hàng hóa mang thương hiệu của các nước khác.
Ông Phú cũng chỉ ra hàng loạt điểm nghẽn khác của nông sản Việt Nam, đó là vật tư đầu vào của sản xuất nông nghiệp như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… vì chưa được quản lý chặt chẽ nên bị ép cấp, ép giá khi mua vào để sử dụng hoặc mua phải hàng hóa kém chất lượng, hàng giả, làm thiệt hại nặng nề cho người sản xuất. Hàng hóa khi sản xuất ra đến kì thu hoạch vì không có điều kiện bảo quản đúng tiêu chuẩn, ít kho dự trữ chiến lược, dẫn tới tổn thất hao hụt lớn từ 20-30%.
Tháo gỡ điểm nghẽn trong xuất khẩu nông sản
Việt Nam đã tham gia và ký kết 16 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, qua đó tạo thêm nhiều cơ hội cho xuất khẩu nông sản.
Mặc dù đã xuất khẩu sang 185 nước trên thế giới nhưng trong bối cảnh hội nhập, hàng hóa nông sản xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt với nhiều thử thách bởi rào cản kĩ thuật ngày càng chặt chẽ của các nước. Ngoài ra, các nước nhập khẩu hàng hóa rất quan tâm đến tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, truy suất nguồn gốc. Rộng hơn, họ còn quan tâm đến các lĩnh vực khác có liên quan đến sản xuất hàng hóa như bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội, vấn đề sử dụng lao động trẻ em, minh bạch công khai trong quá trình sản xuất hàng hóa của Việt Nam….
Chuyên gia các nước hiến kế, muốn xuất khẩu được những hàng hóa có chất lượng, trước hết người nông dân và doanh nghiệp nông nghiệp phải luôn lắng nghe, thấu hiểu những nhu cầu sở thích của người tiêu dùng các nước để luôn luôn đổi mới và cải tiến cho phù hợp, cần chú ý nâng cao tính trung thực và trách nhiệm giải trình khi có vướng mắc giữa các bên.
Đặc biệt, trong thời đại công nghiệp 4.0, công nghệ cũng tác động nhiều đến sản xuất và xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, việc giao dịch với các đối tác không chỉ làm trực tiếp mà còn có thể giao dịch thông qua Amazon, Google…
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú thì cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam phải nắm bắt được cơ hội vàng từ những hiệp định đã được ký kết. Trong công tác xuất khẩu hàng hóa, rất cần có sự đồng hành từ Chính phủ, người nông dân và các doanh nghiệp sản xuất một cách đồng bộ.
Ở một khía cạnh khác, theo ông Phú, cần làm tốt công tác quy hoạch vùng sản xuất trên thế mạnh của các địa phương, của các vùng miền cả nước, cần có chính sách đầu tư hợp lý và hiệu quả cho những vùng sản xuất được quy hoạch. Sản xuất sản phẩm hàng hóa nông sản cần đi đôi với việc phát triển các nhà máy chế biến nông sản, các kho dự trữ, hệ thống giao thông vận chuyển, đảm bảo sự hoạt động nhịp nhàng có hiệu quả của các tổ hợp sản xuất công nông nghiệp hoàn chỉnh. Vừa nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa nông sản, vừa giải quyết đầu và và đầu ra, giảm bớt những tổn thất không mong muốn.
Nguồn sưu tầm
Công ty cổ phần sản xuất và xuất nhập khẩu Thành Hưng