Thái Lan công bố giảm giá sàn xuất khẩu sắn lát, trong khi giá xuất khẩu tinh bột sắn tăng.
Sản lượng sắn của Căm-pu-chia niên vụ 2019-2020 có thể tiếp tục giảm thêm 20% so với vụ trước.
Giá sắn nguyên liệu trong nước tăng nhẹ do nguồn cung về nhà máy giảm. Xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn tháng 8/2019 tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2018.
THỊ TRƯỜNG THẾ GIỚI
Từ đầu tháng 9/2019 đến nay, Hiệp hội Thương mại sắn Thái Lan công bố giá sàn sắn lát xuất khẩu ở mức 230 – 235 USD/tấn FOB Băng Cốc, giảm 5 USD/tấn so với cuối tháng 8/2019. Trong khi đó, theo báo giá của Hiệp hội tinh bột sắn Thái Lan, chào giá xuất khẩu tinh bột sắn tăng thêm 5 USD/ tấn so với cuối tháng 8/2019, lên mức 445 USD/tấn FOB Băng Cốc và giá tinh bột sắn nội địa cũng được điều chỉnh tăng 0,1 Baht/ kg so với cuối tháng 8/2019, lên mức 13,3 Baht/kg, trong khi giá sắn nguyên liệu nội địa được giữ ổn định so với cuối tháng 8/2019 ở mức 2,10-2,40 Baht/kg. Theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Thái Lan, 7 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu sắn lát của Thái Lan đạt 1,99 triệu tấn,
trị giá 13,48 tỷ Baht (tương đương 438,18 triệu USD), giảm 27,6% về lượng và giảm 30,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018; trong đó xuất khẩu sắn lát sang Trung Quốc chiếm 99,6% tổng lượng sắn lát xuất khẩu của Thái Lan trong kỳ với 1,98 triệu tấn, giảm 27,9% so với cùng kỳ năm 2018. 7 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu tinh bột sắn của Thái Lan đạt 1,71 triệu tấn, trị giá 23,73 tỷ Baht (tương đương 771,14 triệu USD), tăng 14,6% về lượng và tăng 6,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018; trong đó xuất khẩu sắn lát sang Trung Quốc chiếm 53,6% tổng lượng tinh bột sắn xuất khẩu của Thái Lan trong kỳ, đạt 918,99 nghìn tấn, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm 2018. Cơ cấu thị trường xuất khẩu tinh bột sắn của
Thái Lan trong 7 tháng đầu năm 2019 có sự thay đổi khi tỷ trọng xuất khẩu sang 3 thị trường chính là Trung Quốc, In-đô-nê-xi-a và Nhật Bản tăng, trong khi tỷ trọng xuất khẩu sang Đài Loan, Ma-lai-xi-a lại giảm.
Tại Cam-pu-chia, do thời tiết hạn hán nặng khiến nhiều diện tích trồng sắn bị hỏng hom nên người dân có xu hướng bỏ trồng, chuyển sang loại cây khác. Ngoài ra, năm 2018 có một lượng lớn diện tích sắn được trồng xen vào những vùng trồng mới điều và cao su. Năm 2019, khi cây điều và cao su phát triển thì sắn không còn được trồng xen nữa. Do đó, sản lượng sắn của Căm-pu-chia niên vụ 2019-2020 có thể tiếp tục giảm thêm 20% so với vụ trước.
THỊ TRƯỜNG TRONG NƯỚC
Từ đầu tháng 9/2019 đến nay, giá sắn nguyên liệu tại các vùng tăng nhẹ do nguồn cung về nhà máy giảm. Hiện nhiều nhà máy khu vực Tây Ninh và Tây Nguyên bước vào sản xuất vụ mới 2019 – 2020, nhưng nguồn nguyên liệu củ sắn tươi đầu vụ chưa ổn định và độ bột thấp. Tại Tây Ninh, giá sắn thu mua tại máy dao động quanh mức 2.450 – 2.700 đồng/ kg.
Hiện nay, sắn đất cao tại Tây Ninh đang được thu hoạch rộ, năng suất khá cao, đạt bình quân khoảng 30 tấn/ha do năm nay mức độ lây nhiễm của bệnh khảm lá sắn nhẹ hơn so với năm 2018. Tuy nhiên, do nắng nóng kéo dài, cây sắn bị thiếu nước nên trữ độ bột của sắn đạt thấp, chỉ phổ biến từ 20-21% độ bột. Năng suất sắn niên vụ 2019 – 2020 tại một số vùng trồng chính như Gia Lai, Phú Yên, Quảng Ngãi, Kon Tum có thể giảm tới gần 50% do dịch bệnh và thời tiết khô hạn, cao hơn rất nhiều so với ước tính ban đầu. Cụ thể: Tại Đắk Lắk, khu vực phía Đông gồm các vùng trồng lớn (chiếm tới 60% – 65% sản lượng sắn toàn tỉnh) như Ea Kar, Ma Drak, Krongbong bị hạn khá nặng, trong khi khu vực phía Tây như Ea Súp lại bị lụt. Do đó, sản lượng sắn của Đắk Lắk niên vụ 2019 – 2020 có thể không tăng so với vụ trước do năng suất được dự báo giảm ít nhất 20%. Tại Phú Yên, sản lượng có thể cũng không đạt như kỳ vọng do thời tiết khô hạn và dịch khảm lá sắn lan rộng. Sắn thu hoạch tại một số vùng như Đồng Xuân, Sông Hinh, Tuy Hoà cho năng suất củ khá thấp khi số lượng củ trên mỗi khóm ít và kích cỡ củ nhỏ. Tại Gia Lai, sắn trồng tại những vùng trồng muộn như Phú Thiện, Phú Bổn mới bắt đầu sang vào giai đoạn bón phân do năm nay trồng muộn.
Nguồn sưu tập